Sự Thần Tượng Hóa
Thần tượng hóa có nghĩa là làm cho ai đó, vật gì đó, việc gì đó, ý tưởng nào đó, hoặc tình cảm nào đó trở thành đối tượng yêu kính và có thẩm quyền trong đời sống của chúng ta hơn là Thiên Chúa. Nhìn vào Bắc Hàn, chúng ta thấy phần lớn dân chúng hoặc là tình nguyện hoặc là bị ép buộc, đã thần tượng hóa:
- Các lãnh tụ của họ (thần tượng hóa người).
- Các tượng và ảnh của các lãnh tụ (thần tượng hóa vật).
- Chính sách của nhà cầm quyền (thần tượng hóa sự việc).
- Tư tưởng tự túc và chủ nghĩa cộng sản (thần tượng hóa ý tưởng).
- Lòng tôn kính các lãnh tụ và đảng cộng sản Bắc Hàn (thần tượng hóa tình cảm).
Chúng ta có thể phạm vào tội thần tượng hóa mà chúng ta không biết. Chúng ta có thể phạm tội thần tượng hóa toàn phần hoặc một phần. Thần tượng hóa toàn phần là tình trạng của phần lớn dân Bắc Hàn, nghĩa là họ hoàn toàn thần tượng hóa trong năm phương diện nêu trên. Thần tượng hóa một phần thường xảy ra trong giới những người ái mộ các ca sĩ, diễn viên, vận động viên thể thao… khi họ xem sở thích thời trang, cách ăn nói… của những người ấy là tuyệt đối đúng và noi theo.
Trong Hội Thánh không có sự thần tượng hóa toàn phần một ai đó nhưng vẫn có thể xảy ra sự thần tượng hóa một phần. Đó là khi một người mến phục một anh chị em nào đó trong Hội Thánh về sự hiểu biết Lời Chúa, lòng sốt sắng hầu việc Chúa, lòng yêu thương đối với mọi người… mà vô tình hoặc cố ý tán đồng hoặc bắt chước theo những sự lầm lỗi, thiếu sót, thậm chí tội lỗi, của người mà mình mến phục.
Việc mến phục, học tập theo những gương tốt của bất cứ ai trong Hội Thánh không phải là sự thần tượng hóa người ấy, mà là chúng ta theo đúng lời dạy của Chúa, bắt chước nhau trong Chúa. Chỉ khi vì lòng mến phục mà chúng ta thỏa hiệp hoặc bắt chước những cái sai của người ấy thì chúng ta mới phạm tội thần tượng hóa người ấy. Ngay cả khi chúng ta vì không nhận ra người ấy sai mà chúng ta tán đồng hay bắt chước cái sai của người ấy thì chúng ta vẫn phạm tội thần tượng hóa. Vì, Chúa đã có Lời Chúa cho chúng ta để chúng ta đối chiếu mọi sự với Lời Chúa. Chính Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta để dắt chúng ta vào mọi lẽ thật. Nếu chúng ta vẫn nhận định sai, dẫn đến hành động sai là chúng ta hoặc không tha thiết nuôi mình bằng Lời Chúa hoặc không vâng theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Đó là chưa kể Chúa còn sắm sẵn trong Hội Thánh những người chăn, những người giảng dạy Lời Chúa để nuôi chúng ta, những anh chị em khác để lên tiếng cảnh báo hoặc cáo trách chúng ta.
Có khá nhiều lần, tôi được biết, trong Hội Thánh có người nói câu nói tương tự như sau: “Coi chừng trở thành thần tượng hóa anh (chú) Tim,” và “Đừng có thần tượng hóa anh (chú) Tim”. Đối với tôi, hai câu nói ấy chỉ nên nói khi người nói thấy người nghe vì mến phục tôi mà thỏa hiệp hay bắt chước sự sai trái nào đó của tôi. Còn nếu người nghe chỉ vì vâng theo lời giảng dạy, phân xử hiệp theo lẽ thật của tôi thì người nói hai câu ấy đã phạm tội. Tội hù dọa anh chị em của mình, cản trở anh chị em của mình tiếp nhận lẽ thật và làm theo lẽ thật.
Sự Tư Vị
Tư vị là vì yêu người này hơn người kia, hoặc không ưa ai đó, hoặc vì bị ép buộc, hoặc vì lợi bất chính, hoặc vì tự bảo vệ mà đối xử không công bình với bất cứ ai. Ngay cả khi chúng ta lên tiếng quở trách cả hai bên, chúng ta cũng có thể tư vị khi sự quở trách không cân xứng với lỗi của mỗi bên. Ngày thường, chúng ta có thể công chính với cả A lẫn B, nhưng khi xảy ra chuyện bất hòa giữa A và B thì chúng ta có thể tư vị một trong hai bên.
- Có lẽ vì A nghèo hơn B nên chúng ta có phần nghiêng về sự bênh vực A; hoặc A giàu hơn B chúng ta không muốn mất lòng A nên chúng ta có phần nghiêng về sự bênh vực A.
- Có thể A đang đau ốm bệnh tật nên chúng ta nghiêng về sự bênh vực A.
- Có thể A là bậc trưởng lão hay A chỉ là một thiếu nhi nên chúng ta nghiêng về sự bênh vực A.
- Có thể vì chúng ta quá yêu thích A, hoặc vì không ưa B nên chúng ta nghiêng về sự bênh vực A.
- Cũng có thể vì chúng ta không sâu nhiệm trong Lời Chúa để nhận biết A có lỗi nên chúng ta bênh vực A.
Vấn đề không phải là A nghèo còn B thì giàu hoặc A giàu còn B thì nghèo; không phải A ốm yếu, tật bệnh không chịu được sự phê bình còn B thì khoẻ mạnh có thể chịu đựng sự phê bình; không phải A là bậc trưởng lão đáng được tôn trọng hoặc A chỉ là một thiếu nhi không nên quở trách nặng; không phải vì chúng ta quá yêu A hoặc chúng ta không ưa B thì B sai; mà vấn đề là giữa A với B ai có lỗi, ai phạm tội.
Chúng ta cần công chính gọi tội là tội và chỉ rõ sự phạm tội. Sau đó, trong khi quở trách, chúng ta cũng phải quở trách tỏ tường và cân xứng với sự phạm tội của mỗi người.
Riêng trong trường hợp chúng ta tư vị vì thiếu hiểu biết Lời Chúa, không nhận ra bên nào thật sự có tội, bên nào không, mà chúng ta phân xử tư vị, thì Chúa sẽ có cách bày tỏ cho chúng ta. Khi đã được Chúa bày tỏ thì chúng ta phải ăn năn, xưng tội vì chúng ta đã tư vị mà không biết, và chúng ta phải nói với người có lỗi rằng họ thật có lỗi, đồng thời xin lỗi người bị chúng ta làm tổn thương vì chúng ta đã tư vị trong sự thiếu hiểu biết của chúng ta.
Huỳnh Christian Timothy
10/05/2017