“Chim hạc giữa khoảng không tự biết các mùa đã định cho nó; chim cu, chim yến, chim nhạn, giữ kỳ dời chỗ ở. Nhưng dân ta chẳng biết luật pháp của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu!” (Giê-rê-mi 8:7).
Hàng năm, cứ vào đầu mùa thu, trung khoảng tháng 9, tháng 10, một số loài chim di cư bắt đầu di chuyển từ vĩ độ cao xuống vĩ độ thấp, từ bắc bán cầu xuống nam bán cầu. Chúng qua hết mùa đông tại nơi di trú, rồi đến cuối mùa đông, đầu mùa xuân lại quay trở về nơi đã sinh ra chúng. Phần lớn, mục đích của việc di trú là để tránh cái rét lạnh dẫn đến sự khan hiếm thức ăn vào mùa đông; mặc dù cũng có vài loài cá biệt mà lý do đi trú của chúng đến nay vẫn chưa được giới khoa học xác định rõ ràng.
Một vài điều thú vị có thể kể đến trong hoạt động di cư của loài chim như:
Khi di trú, chim thường không bay theo đường thẳng mà bay theo hướng gió. Cách bay này khiến quãng đường của chúng xa hơn, nhưng lại giúp chúng tới đích nhanh hơn, nhờ tránh được lực cản của gió và giữ được sức cho các chuyến bay dài. Khi bay chim lượn trên các cột khí nóng do chênh lệch nhiệt từ dưới đất bốc lên. Các cột khí nóng nâng hai sải cánh của chim, giúp chúng đỡ tốn sức trong khi bay.
Khi bay, nhiều loài chim di cư thường bay theo đội hình chữ V. Hình ảnh các tiểu đội chim bay theo hình chữ V cũng rất quen thuộc ở các làng quê Việt Nam. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, đội hình này giúp cho chúng bay đỡ tốn sức hơn là bay một mình. Một mô hình khí động học được phát động bởi con đầu đàn. Khi con đầu đàn quạt cánh, khối khí hai bên cánh của nó sẽ xoáy tròn, cuộn ra hai bên, và di chuyển theo hướng từ dưới lên trên. Hai con kế tiếp, bay lùi về sau ở hai bên con đầu đàn, sẽ dang cánh đón khối khí đang di chuyển kia, khối khí giúp nâng một bên cánh của chúng, cánh còn lại chúng quạt gió và tạo ra khối khí nâng cánh cho con bay tiếp liền sau. Và cứ như thế con bay trước tạo ra một lực đẩy cho con bay ngay sau nó. Bay theo mô hình này thì con chim đầu đàn sẽ tốn nhiều sức nhất và thường là con chim khỏe nhất, tuy nhiên khi chim dẫn đầu đuối sức, nó sẽ ra hiệu để con khác thay thế.
Thế giới tự nhiên dạy cho chúng ta biết rất nhiều điều về Thiên Chúa. Tôi đã dừng lại một một khoảng khá lâu khi đọc đến Giê-rê-mi 8:7 để ngẫm nghĩ về hoạt động di cư của loài chim. Tôi thấy rằng nếu di cư là quy luật giúp loài chim bảo tồn được mạng sống thì luật pháp của Thiên Chúa là quy luật sống còn của loài người.
“Nhưng Ngài đã phán, đã trả lời: Đã được chép {rằng}, loài người sẽ sống chẳng phải chỉ nhờ bánh nhưng nhờ mỗi một lời phán ra từ miệng của Thiên Chúa…” (Ma-thi-ơ 4:4).
Tuy nhiên, nếu như loài chim biết giữ kỳ dời chổ ở, nghĩa là biết thuận theo quy luật di cư mà Thiên Chúa đã đặt cho chúng, để giữ được mạng sống, thì phần lớn những người biết Chúa, mà tiên tri Giê-rê-mi gọi là “dân ta”, lại chẳng biết vâng giữ luật pháp của Thiên Chúa. Đó là thực trạng đáng buồn!
Khi một người thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, hết lòng muốn sống đẹp lòng Chúa, vâng giữ các điều răn, thì chắc chắn Chúa sẽ ban cho người ấy thánh linh tức là năng lực từ chính Chúa để giúp cho người ấy sống được một nếp sống thánh khiết. Sự ban cho thánh linh cũng tự nhiên như những ngọn gió nâng đôi cánh chim. Hành trình thuộc linh cũng giống như quãng đường bay của các loài chim di cư kia, dẫu gặp nhiều nguy nan, trắc trở nhưng chính Chúa sẽ thêm sức, nâng đôi cánh thuộc linh của chúng ta.
Công tác tổ chức, điều hành sinh hoạt của Hội Thánh là một mô hình chữ V hoàn hảo. Ở đó người dẫn đầu, là giám mục, người chăn, các trưởng lão, luôn là người phải chịu đựng khó khăn nhiều hơn hết, các chiên con hưởng được nhiều thành quả thuộc linh từ giám mục, người chăn, các trưởng lão. Thành quả thuộc linh có thể là sự hiểu biết Lời Chúa, sự khôn sáng Chúa ban, lòng tin kính Chúa,… Tuy nhiên, sự chia nhau gánh vác công tác rao giảng Tin Lành, gầy dựng Hội Thánh là bổn phận của mỗi một con dân Chúa. Sự sẵn lòng thi hành bổn phận là điều đẹp lòng Chúa, như các chim trong bày sẵn lòng thay con đầu đàn để dẫn bày. Hội Thánh địa phương nào càng có nhiều trưởng lão tin kính Chúa thì nơi ấy càng có phước nhiều hơn.
Khi chúng ta tin Chúa, tin cậy Chúa, và vâng phục làm theo những điều Chúa dạy thì chính Chúa sẽ thêm sức cho chúng ta, nâng chúng ta lên, giúp cho linh trình của chúng ta được nhẹ nhàng hơn.
“Nhưng những ai trông đợi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thì sẽ được sức mới, họ sẽ cất cánh bay cao như chim ưng, họ sẽ chạy mà không mệt nhọc, họ sẽ đi mà không mòn mỏi.” (Ê-sai 40:31).
Một điều diệu kỳ khác. Một trong những bí ẩn với giới khoa học về đời sống di cư của loài chim là chúng đã xác định đường bay như thế nào. Làm sao chúng có thể xác định được đường bay cả chục ngàn cây số từ bắc bán cầu đến nam bán cầu rồi quay về lại? Làm sao chúng có thể bay qua đại dương mênh mông nơi chỉ có nước với nước mà không hề có một vật gì cố định để làm chuẩn cho đường bay? Rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra và hàng trăm thí nghiệm đã được tiến hành nhưng không có một lý thuyết nào khả quan.
Trong cuốn “Đời sống các loài chim” của cố Giáo sư Võ Quý có đoạn nói về các thí nghiệm đã được thực hiện:
[Trích dẫn từ https://vi.kipkis.com/Nh%E1%BB%AFng_b%C3%AD_%E1%BA%A9n_c%E1%BB%A7a_di_c%C6%B0]
Có người cho rằng khi bay chim đã theo con đường quen thuộc. Điều đó có thể đúng với một số loài chim, đặc biệt là những loài ở gần bờ nước như ngỗng, vịt, hạc, sếu… Chúng thường bay theo đàn mà con dẫn đầu bao giờ cũng là một con chim già có nhiều kinh nghiệm. Vả lại các loài chim này thường bay men theo bờ biển, dòng sông lớn nên có nhiều khả năng, với trí nhớ tinh tường, chúng nhận biết được những chỗ nghỉ ngơi quen thuộc trên từng chặng đường đi.
Nhưng với những loài chim bay qua đại dương mênh mông thì sao? Ở đây ngoài nước không hề có một vật gì cố định để chúng làm chuẩn cho đường bay, thế nhưng chúng vẫn bay đến nơi về đúng chốn tưởng chừng như trong hệ thần kinh của chúng không những có một chiếc đồng hồ mà còn có cả địa bàn và máy tính độ kinh, độ vĩ, giống như trang bị của các thuyền trưởng và người lái máy bay.
Chúng ta ngạc nhiên về con choi choi vàng làm một cuộc hành trình rất chính xác hơn 3.200 km qua Thái bình dương từ Alaxka đến quần đảo Haoai. Vượt tài của choi choi vàng có loài choắt mỏ cong cũng cùng quê hương nhưng lại bay xuống tận Tahiti và một số đảo khác ở nam Thái bình dương cách hơn 8.800 km để nghỉ đông. Nhiều loài chim ngay từ lúc còn non đã tự lực tiến hành cuộc du lịch đường trường đầu tiên không có sự hướng dẫn của chim trưởng thành. Chính cu cu nâu ở Tân Tây Lan, sau khi được bố mẹ nuôi chăm sóc (chim bố mẹ nuôi không di cư) đã bay về phương bắc qua vùng biển rộng đến quần đảo Xôlômôn hay quần đảo Bixmac cách xa hơn 4.000 km, để nghỉ đông. Đây là nơi mà bố mẹ đẻ của chúng không hề biết mặt đã đến trước vài tuần. Loài cu cu đuôi dài cũng đẻ ở Tân Tây Lan đã bay hơn 6.500 km để đến các đảo ở tít ngoài biển Thái bình dương ngay trong mùa đông đầu tiên của đời mình. Phải chăng con cu cu non đã nhận được từ bố mẹ đẻ của chúng kế hoạch bay, thời gian và mục đích của cuộc di cư truyền thống của loài cu cu qua mật mã di truyền ngay từ lúc còn trứng nước?
Cũng cần phải nói thêm rằng, lúc di cư đường dài, chim ít khi bay theo một đường thẳng tắp, đường “chim bay” như ta thường nói. Chúng luôn luôn bị gió đưa đi, vì thế mà muốn đạt đến đích, chúng cũng phải thường xuyên xác định lại hướng. Như một người bơi trên dòng nước chảy, nó phải lênh đênh hàng trăm kilômét, trôi dạt theo luồng gió thổi trước lúc đạt được đến đích cuối cùng.
Để tìm hiểu khả năng kỳ lạ đó của chim người ta đã làm hàng trăm thí nghiệm, được gọi là thí nghiệm “tìm về nhà” với nhiều loài chim khác nhau. Người ta bắt chim ở nơi làm tổ rồi đem thả ra ở một chỗ xa lạ để chúng tìm đường trở về nhà. Nhiều con chim thí nghiệm đã không bao giờ được gặp lại nhưng cũng có một số đã đạt được kết quả đáng chú ý. Một con yến châu Âu được mang đi xa, cách tổ của nó 250 km đã trở về sau 4 giờ. Một con hải âu lưng đen làm tổ ở đảo Mituây, giữa Thái bình dương được thả ra ở một chỗ cách xa 5.100km đã trở về sau đúng 10 ngày, trung bình mỗi ngày bay được 510km. Một con chim báo bão được đem đến thả ở sân bay Boxtôn ở Mỹ đã bay hơn 4.880 km qua Đại tây dương để trở về đảo Xtôckhôn gần bờ tây nam nước Anh sau 12 ngày rưỡi, trung bình mỗi ngày bay được khoảng 390km. Một con khác cũng bắt ở đảo Xtôckhôn rồi đem thả ở Vênêxia, một thành phố ở bờ biển đông bắc Italia. Con chim trở về sau 14 ngày làm cho mọi người sửng sốt. Nó đã bay theo đường nào? Nếu bay băng qua lục địa thì nó phải vượt dãy Anpơ và nước Pháp với đường dài khoảng 1.500km. Nhưng chim báo bão không bao giờ bay vào đất liền ngay cả khi bị bão tố vì thế con đường này chưa chắc chim đã chọn. Còn theo đường biển thì nó phải bay vòng, đầu tiên bay về hướng nam dọc theo bờ biển đông Italia rồi quanh qua phía tây theo bờ nam Địa trung hải, vượt qua eo Gibranta để rồi bay lên phía bắc đến nước Anh, với đường dài khoảng 6.600 km. Làm thế nào con chim báo bão đã tìm ra con đường vòng dài như vậy? do tài năng hay do ngẫu nhiên? thật khó mà xác định được! Lại thêm một điều kỳ lạ nữa, người ta đã bắt một số chim nhạn làm tổ ở bờ biển Oatxơn rồi đem thả vào một đêm tối trời ở giữa Đại Tây Dương cách xa 1.300km ở gần đảo Tortugas. Chúng đã trở về sau gần 10 ngày.
Để giải thích, một số người đã đưa ra ý kiến cho rằng có lẽ chim có khả năng ghi nhận được bằng cách riêng nào đó con đường mà phương tiện vận tải đã chuyển nó đi và khi trở về nó chỉ đơn giản hồi tưởng lại con đường đó. Thí nghiệm kiểm tra đã không đem lại kết quả như dự kiến. Hai lồng chim sáo được gửi từ một làng ở nước Đức về Beclin, cách xa 149 km. Một lồng được đặt trên một máy quay đĩa, quay 5.000 vòng trên suốt chặng đường đi. Như vây hẳn là khi trở về chim phải nhớ lại đủ 5.000 vòng đó cùng với các khúc quanh co của đường sắt. Nhưng khi thả ra ở Beclin, những con chim bị quay dọc đường đi cũng bay theo đường thẳng như những bạn bè của chúng ở trong chiếc lồng kia.
Một số người khác lại cho rằng chim cảm giác được từ trường của Trái đất và có lẽ còn đo được cả lực từ trường ở từng địa điểm. Nhưng khi thử gắn vào thân chim một chiếc nam châm nhỏ để chim không còn nhận biết được từ trường của Trái đất, chim vẫn bay đúng hướng để về nơi cũ.
Một số người lại đề ra ý kiến cho rằng chim có khả năng nhận biết được vị trí của mình bằng kết quả tổng hợp của hiệu ứng Côriôlis, kết quả cơ học do sự quay của Trái đất sinh ra mới được phát hiện gần đây và từ trường của Trái đất. Ý kiến này dường như có lý, nhưng tiếc thay cho đến nay vẫn chưa ai chứng minh được.
Đã nhiều năm qua các nhà nghiên cứu cố mò mẫm để tìm cách giải thích khả năng định hướng kỳ diệu của các loài chim. Tất cả những giả thuyết có thể nghĩ ra đều đã được đề xuất nhưng cuối cùng giả thuyết có nhiều khả năng thuyết phục lại là giả thuyết đơn giản nhất: chim cũng như chúng ta đã dùng Mặt trời và các vì sao để làm chuẩn khi tìm phương hướng. Guxtap Krame, một người Đức, là người đầu tiên cho rằng ban ngày chim định hướng bằng vị trí của Mặt trời.
Ông đã thí nghiệm với chim sáo nhốt trong một cái lồng rộng hình tròn, thiết kế tinh vi với 6 cửa sổ để lộ ra cho chim thấy 6 khoảng trời. Ông nhận thấy rằng suốt trong thời gian mà loài sáo đang di cư, thì những con sáo bị nhốt đậu theo hướng mà chúng phải bay để di cư, tức là hướng tây nam về mùa thu và hướng đông bắc về mùa xuân. Ông liền nảy ra ý nghĩ rất thông minh là thử đánh lừa chim bằng cách “di chuyển” Mặt trời. Ánh sáng Mặt trời được chiếu vào lồng theo một góc khác bằng chiếc gương đặt ở cửa sổ. Những con chim tức thời đã dàn hàng theo vị trí mới của Mặt trời để tiếp tục cuộc di cư tưởng tượng của chúng. Vào những ngày trời u ám, chim không thấy được Mặt trời thì chúng cũng tỏ ra lúng túng khi tìm phương hướng.
Sơ đồ thí nghiệm của Krame về sự định hướng của chim nhờ Mặt trời. a. lúc ánh sáng Mặt trời chiếu thẳng vào cửa sổ, chim hướng về phía mà đồng loại của nó đang di cư. b. lúc ánh sáng Mặt trời chiếu vào chuồng qua chiếc gương, chim thay đổi hướng.
Thí nghiệm trên của Krame xem ra khá lý thú, nhưng có điều vô cùng quan trọng mà ông ta chưa để ý tới là Trái đất không đứng yên một chỗ mà luôn luôn di chuyển quanh Mặt trời, thêm vào đó con đường di chuyển của Trái đất cũng thay đổi hàng ngày. Lẽ nào chim có khả năng tính toán được sự thay đổi đó. Krame lại làm một thí nghiệm mới. Ông dựng một cái lồng tròn trong đó có đặt nhiều hộp kín để đựng thức ăn. Ông nhốt một con sáo vào lồng và dạy cho nó xác định được cái hộp có thức ăn đúng theo hướng có Mặt trời. Ông lặp đi lặp lại nhiều lần bài học đó trong nhiều ngày ở một giờ nhất định. Khi con sáo đã được huấn luyện thành thạo, ông ta đổi hộp đựng thức ăn vào một giờ khác trong ngày. Không do dự con chim đã tìm đến được chiếc hộp mới. Rõ ràng là nó đã xác định được một cách dễ dàng góc tới của ánh sáng Mặt trời.
Dựa vào những kết quả thí nghiệm của Krame và sau này Matin, một người Anh đã khẳng định rằng chim có khả năng suy luận được vị trí của mặt trời. Chim cũng có thể nhận biết được cung Mặt trời nghĩa là nhận biết được góc tạo thành bởi mặt phẳng trong đó Mặt trời di chuyển với mặt phẳng ngang ở một địa điểm nhất định. Chúng ta cũng biết rằng điểm cao nhất của cung đó là vị trí của Mặt trời vào lúc giữa trưa. Vị trí này thay đổi theo độ vĩ. Các ông cũng cho rằng chim có thể suy luận được độ kinh và độ vĩ dựa vào vị trí của Mặt trời.
Những thí nghiệm của Krame và Matin sáng tạo ra chưa nói gì đến những loài chim di cư ban đêm. Một nhà nghiên cứu trẻ tuổi người Đức, Sauer đã đề ra ý kiến là chim di cư ban đêm định hướng bằng các chòm sao. Ông đã nuôi chim trong một chiếc lồng mà mái chuồng lợp bằng kính trong suốt cho phép chim có thể quan sát được bầu trời. Đến mùa di cư, khi nhìn thấy bầu trời ban đêm, chim nuôi trong lồng liền đậu theo hướng mà loài đó bay về nơi nghỉ đông. Nhưng khi bầu trời bị mây che khuất các con chim tỏ ra hoang mang, sau đó Sauer đặt lồng chim dưới bầu trời ban đêm nhân tạo của trường hàng hải Bơrem. Khi thay đổi bầu trời nhân tạo bằng cách thay đổi vị trí của các chòm sao thì chim cũng thay đổi hướng đậu cho tương ứng với bầu trời của từng địa điểm. Sauer đã đi xa hơn và chứng minh được rằng chim sinh ra vốn đã có kiến thức bẩm sinh về tinh tú và những con chim di cư bay đêm căn cứ vào vị trí các vì sao một cách bình thường, tự nhiên và vô ý thức theo cung cách mà các thuyền trưởng chỉ có thể đạt được bằng kính viễn vọng và kính lục phân mới được phát minh. Sauer đã nuôi một con chim chích bụng trắng ngay từ lúc còn bé. Đến cuối tháng chín con chim bắt đầu tỏ dấu hiệu muốn bay. Nó không chịu ngồi yên trong lồng như những ngày trước đó. Sauer liền đặt nó dưới bầu trời nhân tạo Bơrem. Nó liền chuyển về hướng đông nam là hướng mà hàng nghìn thế hệ của đồng loại nó đã bay trước nó mà nó không hề biết. Nó vẫn giữ hướng ấy khi đổi sang bầu trời của Praha, Xôfia, Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng khi trên đầu xuất hiện bầu trời của đảo Síp thì nó liền đổi hướng thẳng về phía nam như kiểu nó đang bay về lưu vực sông Nin, nơi nghỉ đông của đồng loại nó.
Sơ đồ thí nghiệm chim định hướng về ban đêm theo các vì sao trên bầu trời. a. khi đặt chim dưới bầu trời mùa xuân, đa số chim hướng về phía đông bắc, hướng di cư của chúng về quê hương. b. khi đặt chim dưới bầu trời mùa đông, chim hướng về phía đông nam, hướng di cư của chúng về nơi trú đông. c. khi trên bầu trời không có sao, chim hướng theo các hướng khác nhau.
Mặc dầu càng ngày càng có nhiều chứng cớ là chim đã dùng bầu trời để xác định con đường bay chính của mình trong cuộc du lịch đường dài, nhưng dầu sao đây vẫn còn là điều bí ẩn đang được các nhà khoa học tìm tòi. Điều mà chúng ta có thể biết chắc chắn là các loài chim không có công cụ nhưng đã xác định được phương hướng một cách tốt hơn và nhanh hơn con người với đầy đủ công cụ trong tay. Nhưng khi Mặt trời bị che khuất và trong những đêm u ám, trăng sao bị che khuất thì loài chim lại thua con người về mặt này.
[Hết trích]
Đây là điều rất thú vị đối với tôi. Nó làm tôi đến nhớ Lời Chúa dạy trong Châm Ngôn 30:18-19 và Gióp 39:29.
“Có ba sự diệu kỳ cho ta và bốn điều ta chẳng biết: Đường chim ưng trên trời; đường con rắn trên hòn đá; đường con tàu giữa biển; và đường của một người nam với một trinh nữ.” (Châm Ngôn 30:18-19).
“Có phải chim ưng bay nhờ sự thông sáng của ngươi, và xoè cánh nó về hướng nam?” (Gióp 39:29).
Tự trong câu viết “đường chim ưng trên trời” và “chim ưng…xoè cánh nó về hướng nam” đã cho chúng ta hiểu đó là nói về cách mà chim xác định phương hướng và đường bay.
Nếu khả năng xác định đường bay của loài chim là điều bí ẩn đối với khoa học hiện đại thì cũng không lạ gì khi điều đó khiến cả người khôn sáng và có lòng hiểu biết như Sa-lô-môn cũng công nhận là điều diệu kỳ, là điều ông không đủ hiểu biết. Điều đó cho thấy sự giới hạn, thậm chí là rất giới hạn trong sự hiểu biết của chúng ta về sự sáng tạo của Đấng Tạo Hóa. Sự giới hạn này khiến cho chúng ta càng phải biết kính sợ Chúa!
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú.