Giăng 3:34 là một câu hơi khó dịch sang tiếng Việt. Tôi đã hiệu đính như sau:
Trong nguyên ngữ Hy-lạp:
Động từ “δίδωμι” G1325 /đê-đô-mê/ mang các nghĩa sau đây:
- Cho, ban cho, tặng, hiến, dâng
- Trao qua tay, đưa ra, cung cấp
- Giao phó, phó thác, ký gửi
- Trả công, trả tiền lương
- Giao nộp
- Ban cho chức vụ
- Hiến thân (để bảo vệ một người, để phục vụ một người, để sống theo một người…)
- Cho phép, cho quyền, giao việc
Danh từ “μέτρον” G3358 /mê-tron/ mang các nghĩa sau đây:
- Sự đo lường, vật dùng để đo lường
- Tiêu chuẩn của sự phán xét
- Sự xác định giới hạn của việc đo lường (đo lường đến đâu, đến mức độ nào)
- Mức độ đo lường được yêu cầu
Vì thế, theo văn mạch, “δίδωμι” nên dịch là “phó thác” và “μέτρον” nên dịch là “giới hạn” để dễ hiểu hơn.
Khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người thì Ngài hoàn toàn là một người như chúng ta. Vì thế, để có thể làm ra những việc siêu nhiên thì Ngài phải nhờ vào Đấng Thần Linh, như Môi-se và Ê-li ngày xưa.
Dù Môi-se và Ê-li nhờ Đấng Thần Linh ban cho thánh linh để làm ra những việc siêu nhiên (các phép lạ), nhưng họ chỉ có thể nương cậy nơi Đấng Thần Linh một cách có giới hạn. Chúng ta có thể hiểu rằng, khi có nhu cầu bày tỏ quyền năng của Thiên Chúa thì Đấng Thần Linh hiện diện với họ, giúp họ làm ra các phép lạ, nhưng Ngài không ở cùng họ luôn luôn.
Riêng con người xác thịt Jesus thì được Đức Chúa Trời hoàn toàn ban cho quyền tận dụng năng lực của Thiên Chúa một cách không giới hạn. Chúng ta có thể hiểu rằng, từ khi con người Jesus được báp-tem dưới sông Giô-đanh thì Đấng Thần Linh đã hiện diện với Ngài luôn cho đến khi Ngài trút hơi thở cuối cùng trên thập tự giá. Vì thế, từng lời nói, việc làm của con người xác thịt Jesus trong khi Ngài thi hành chức vụ giảng Tin Lành và chuộc tội cho loài người, đều đầy dẫy thánh linh.