Những gì người thế gian suy nghĩ hay đặt làm tiêu chuẩn không thể vượt qua Lời Chúa và tiêu chuẩn của Chúa. Tiêu chuẩn trọn vẹn của thế gian khác với tiêu chuẩn trọn vẹn của Thiên Chúa.
Trọn vẹn, toàn hảo trong Chúa là thánh sạch, không vết, không chỗ trách được theo tiêu chuẩn do chính Ngài đặt ra và ghi rõ trong Thánh Kinh.
Về người trọn vẹn:
Nếu đang khi chúng ta còn sống trong xác thịt này giữa thế gian mà chúng ta không thể nào trở nên trọn vẹn, thì lời phán sau đây của Đức Chúa Trời đối với Áp-ra-ham là một lời “độc ác” vì Ngài phán bảo ông làm một việc mà ông không thể làm:
“Khi Áp-ram được chín mươi chín tuổi, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hiện đến với Áp-ram và phán với ông: Ta là Thiên Chúa Toàn Năng! Ngươi hãy đi ở trước mặt Ta và ngươi hãy trở nên trọn vẹn.” (Sáng Thế Ký 17:1).
Và lời phán sau đây của Đức Chúa Jesus Christ dành cho những ai tin nhận Ngài cũng là một lời “độc ác”, vì Ngài phán bảo họ làm điều mà không ai có thể làm:
“Vậy, các ngươi hãy nên trọn vẹn như Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời, là trọn vẹn.” (Ma-thi-ơ 5:48).
Trong thực tế, Gióp được Đức Chúa Trời xác nhận rằng, ông là một người trọn vẹn theo tiêu chuẩn của Ngài:
“Tại trong xứ Út-xơ có một người tên là Gióp; người ấy vốn trọn vẹn và ngay thẳng; kính sợ Thiên Chúa, và lánh khỏi điều ác.” (Gióp 1:1).
“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu lại hỏi Sa-tan rằng: Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ của Ta chăng; nơi thế gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa, và lánh khỏi điều ác? “ (Gióp 1:8).
“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu lại phán hỏi Sa-tan rằng: Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ Ta chăng? Trên đất chẳng có ai giống như người, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa, và lánh khỏi đều ác; lại người bền đỗ trong sự hoàn toàn mình, mặc dầu ngươi có giục Ta phá hủy người vô cớ.” (Gióp 2:3).
Nếu Gióp không phải là người trọn vẹn thì có phải Đức Chúa Trời đã làm chứng dối? Và chắc chắn là Sa-tan đã phản biện, vì nó là kẻ hay kiện cáo con dân Chúa.
Trong thời Tân Ước, Lời Chúa khẳng định những ai tin nhận Tin Lành đều được trở nên trọn vẹn:
Ê-phê-sô 4:22-24
22 Các anh chị em hãy bỏ nếp sống trước đây của con người cũ, là người đã bị hư hỏng theo sự lừa gạt của những sự tham muốn,
23 mà chịu làm nên mới {trong} tâm thần về sự hiểu biết của mình,
24 và mặc lấy con người mới, là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật.
Người được dựng nên mới giống như Thiên Chúa trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật là người trọn vẹn, hoàn hảo. Vấn đề là chúng ta có tiếp nhận sự được dựng nên mới hay không, và sau khi tiếp nhận thì có cứ ở lại trong con người mới trọn vẹn , hoàn hảo hay không:
Cô-lô-se 1:21-23
21 Còn các anh chị em ngày trước bị xa cách và là những kẻ thù nghịch trong tâm trí bởi những việc ác, nhưng bây giờ đã được Ngài phục hòa
22 trong thân thể của xác thịt Ngài qua sự chết, để phơi bày ra trước Ngài: Các anh chị em thánh sạch, không vết, không chỗ trách được,
23 nếu các anh chị em cứ ở lại trong đức tin vững lập, không dời khỏi sự hy vọng của Tin Lành mà các anh chị em đã nghe, được giảng cho mọi người ở dưới trời, và tôi, Phao-lô, được làm người phục vụ.
Tin và sống theo Lời Chúa khiến cho chúng ta cứ ở trong sự trọn vẹn:
“Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công bình, [hà hơi = ban sự sống; thần cảm] để người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:16-17).
Sự trọn vẹn của chúng ta là do chính Đức Chúa Trời làm ra cho chúng ta và do chính Ngài tiếp tục hành động trong chúng ta. Chúng ta chỉ cần tin nhận và chọn ở lại trong sự trọn vẹn:
“Nhưng chính Đức Chúa Trời của sự bình an khiến các anh chị em nên thánh trọn vẹn. Tâm thần, linh hồn, và thân thể của các anh chị em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta!” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).
Về Hội Thánh trọn vẹn:
Khải Huyền 2 và 3 cho chúng ta biết, Hội Thánh tại Si-miệc-nơ (Khải Huyền 2:8-11) và Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi (Khải Huyền 3:7-13) là trọn vẹn, vì họ không bị Chúa quở trách. Hai Hội Thánh ấy điển hình cho nhiều Hội Thánh địa phương khác trong suốt chiều dài lịch sử gần hai ngàn năm qua của Hội Thánh.
Kết luận:
Người được kể là công bình, thánh khiết, trọn vẹn trước mặt Chúa, theo tiêu chuẩn của Chúa HOÀN TOÀN không có nghĩa là người ấy không còn phạm tội, mà là người ấy ghét tội, không muốn phạm tội, nhưng vẫn có thể phạm tội (vì thiếu hiểu biết, vì sơ ý, vì yếu đuối trong phút chốc), nhưng sau khi phạm tội thì lập tức ăn năn, xưng nhận, và được Chúa tha thứ.
Vì thế, nhìn theo con mắt của người thế gian thì người được Đức Chúa Trời gọi là trọn vẹn vẫn có thể có lúc phạm lỗi, phạm tội. Nhưng tấm lòng của người ấy là trọn vẹn đối với Chúa, vì người ấy không yêu thích tội lỗi, không tìm cách phạm tội, không sống trong tội.
Hội Thánh địa phương nào chỉ có những người không yêu thích tội lỗi, không tìm cách phạm tội, không sống trong tội, thì Hội Thánh địa phương ấy là trọn vẹn.
Tôi xưng nhận: Bởi ân điển của Thiên Chúa mà tôi được trở nên một người trọn vẹn! Tôi là một người trọn vẹn!