Có một lần, trong khi đang ngẫm nghĩ về một phép lạ do Đức Chúa Jesus làm ra cho người ta, tôi chợt nhớ đến câu chuyện của một người bạn cách đây vài năm. Câu chuyện này đã dẫn tôi đến với những khám phá thú vị trong mỗi phép lạ mà Chúa thường làm ra cho trong lúc đi giảng đạo.
Người bạn tôi có người cha bị chứng mờ một bên mắt do tuổi già. Sau khi tiến hành phẫu thuật, một bên mắt của bác quấn kín băng; trong thời gian chờ được tháo băng, bác sĩ cho bác về nhà nghỉ ngơi. Vừa khi bước ra khỏi phòng bệnh, bác liền bước đi chập choạng, không thể đi vững được, phải có người đỡ. Hỏi ra thì bác cho biết chưa quen với việc nhìn bằng một mắt nên bị mất thăng bằng.
Trong lúc được nhắc cho nhớ về câu chuyện trên, tâm trí tôi nảy ra một ý nghĩ lạ lùng, tôi lật Thánh Kinh, lần tìm và đọc lại các câu chuyện Chúa thi hành phép lạ, để kiểm chứng xem ý nghĩ này có thật sự đúng.
Đầu tiên, tôi chú ý vào những trạng từ biểu thị một khoảng thời gian ngắn ngủi trong mỗi lần Chúa làm phép lạ như: lập tức, tức thì, liền, ngay. Phép lạ mà Chúa thi hành chỉ đơn giản bằng một lời phán, một cái rờ tay thì bệnh liền dứt, quỷ lập tức ra khỏi, người bại tức thì bước đi, kẻ chết lập tức sống dậy, bất kể không gian (chữa lành từ xa cho người đầy tớ của viên thầy đội, đứa con gái bị quỷ ám của người đàn bà Ca-na-an,…). Các phép lạ được thi hành theo cách thức đơn giản, nhanh chóng và sự chữa lành cũng diễn ra nhanh không kém; có lẽ ai đặt mình trong hoàn cảnh đó cũng sẽ phản ứng như đám đông chứng kiến, lập tức cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa vì nó quá đỗi lạ lùng.
Tuy nhiên không dừng lại ở đó, nhờ có câu chuyện về người bác bị chứng mờ một bên mắt, tôi lại thấy thêm một điều lạ lùng khác trong mỗi khoảnh khắc Chúa làm phép lạ. Lấy một thí dụ điển hình là phép lạ chữa lành người mù từ thuở mới sinh (Giăng 9). Sau khi vâng lời Chúa đi rửa lớp bùn xức trên mắt nơi ao Si-lô-ê, thì người mù lập tức được sáng mắt. Anh bước đi cách bình thường giữa nơi anh sống, trong sự ngỡ ngàng của những người từng biết anh. Tôi tự hỏi làm sao một người mù từ thuở mới sinh vừa được sáng mắt lại có thể sinh hoạt bình thường như một người chưa từng bị mù. Nếu Đức Chúa Jesus chỉ chữa lành đôi mắt là cơ quan tiếp nhận thông tin ánh sáng thì về lý tính anh vẫn phải học cách bước đi, học cách giữ thăng bằng tư thế, học cách nhận diện vật thể, học cách cảm thụ màu sắc,… như đứa trẻ mới sinh vậy. Nhưng lạ lùng là ngay giây phút ở đường biên giới của tối tăm và sáng láng, anh cứ thế thản nhiên bước vào thế giới muôn màu kia mà chẳng gặp chút khó khăn nào. Sau nhiều ngày ngẫm nghĩ, tôi cũng có câu trả lời từ Chúa Toàn Năng, cái rờ tay của Đức Chúa Jesus đã không làm ra chỉ một phép lạ mà đã có một chuỗi những phép lạ xảy ra, thật khó để xác định được rõ là có bao nhiêu phép chữa lành đã diễn ra trong khoảnh khắc đó. Nhưng tôi biết rằng Chúa Toàn Năng không để phép lạ của Ngài thiếu một chút toàn năng nào, Ngài không để anh bước đi chập choạng, không bắt anh phải đợi lâu hơn một cái tích tắc, Ngài không chỉ mang ánh sáng trên đôi mắt mà mang lại cho anh trọn vẹn cảm giác sống động.
Tôi hình dung theo lượng kiến thức ít ỏi mình có theo một cách dễ hiểu như sau (giả sử rằng 4 giác quan còn lại của anh đều hoạt động tốt):
- Đầu tiên, Chúa chữa lành các cơ quan mắt cho anh; khả năng nhạy sáng (ISO), điều tiết của mắt được Chúa hoàn thiện ngay sau khi các cơ quan mắt được hồi phục hoàn chỉnh, để anh có thể lập tức mở mắt là tiếp nhận ánh sáng mà không gặp bất kỳ khó khăn nào (1)
- Khả năng nhận diện cấu trúc vật thể (nhận diện khuôn mặt, bàn, ghế,…) được phục hồi, cùng lúc đó thông tin để nhận diện cấu trúc cũng được nạp sẵn vào não bộ. Khi anh gặp lại Đức Chúa Jesus thì nhận biết đó là người đã chữa lành cho mình, não bộ anh đã có sẵn thông tin về hình thể của Chúa để đối chiếu nhận diện.
- Khả năng thăng bằng của cơ thể (do hệ thống tiền đình quy định) cũng được Chúa hoàn thiện ngay khi anh bước đi bằng hai chân. Trước khi sáng mắt có thể anh cũng giữ được dáng bộ thăng bằng khi bước đi, nhưng khi đã sáng mắt, thì việc giữ thằng bằng cơ thể cần sự phối hợp với mắt. Điều lạ lùng là anh không cần phải tập làm quen với nó, anh cứ thế bước đi bình thường (2)
- Có thể, khả năng nhận diện màu sắc cũng được Chúa ban cho sẵn. Đối với trẻ con, khả năng này được hoàn thiện sau khoảng 1 năm.(3)
Rất có thể còn nhiều phép lạ hơn nữa đã diễn ra bên trong, và tất cả chỉ diễn ra trong tích tắc. Thật đáng để kinh ngạc và dâng lời tôn vinh Thiên Chúa! Khi hiểu ra điều này, tôi cũng hiểu được phần nào cảm xúc của sứ đồ Giăng khi ông viết những dòng này: “Lại còn nhiều việc nữa mà Đức Chúa Jesus đã làm; ví bằng người ta cứ từng việc mà chép hết, thì ta tưởng rằng cả thế gian không thể chứa hết các sách người ta chép vậy” (Giăng 21:25). Nếu chỉ một cái rờ tay của Chúa mà khiến tâm trí tôi chưa thôi ngẫm nghĩ, chưa thôi thấy lạ lùng qua năm tháng thì chắc rằng phải cần đến đời đời để hiểu biết mọi sự Thiên Chúa đã làm ra. Và tôi tự định nghĩa cho mình, đó là “Phép Lạ Trong Phép Lạ”
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú.
(1) The Visual System: How Your Eyes Work (Hệ thống thị giác: Cách mắt chúng ta làm việc – video có phụ đề Việt Ngữ) https://www.youtube.com/watch?v=i3_n3Ibfn1c
(2) The vestibular system (Hệ thống tiền đình – video có phụ đề việt ngữ): https://www.youtube.com/watch?v=1AZnFszUroI
(3) How we see color (Chúng ta nhận diện màu sắc như thế nào – video có phụ đề Việt Ngữ) https://www.youtube.com/watch?v=l8_fZPHasdo