Ý nghĩa của chữ A-men

Chữ a-men trong tiếng Hê-bơ-rơ (H543) lẫn tiếng Hy-lạp (G281), tiếng Hy-lạp phiên âm từ tiếng Hê-bơ-rơ, có nghĩa đen là: chắc chắn; có nghĩa bóng là: thành tín; có nghĩa rộng là:

  • Quả thật/Đúng sự thật/Thật vậy, như sẽ nói sau đây… (khi đứng đầu một câu – như trong Ma-thi-ơ 5:26…)
  • Xin được như đã nói/Sẽ xảy ra đúng như đã nói (khi đứng ở cuối câu – như trong Thi Thiên 41:13; 72:19; 89:52; Ma-thi-ơ 6:13; 28:20; Mác 16:20; Rô-ma 1:25…)
  • Đúng như vậy (khi đáp lại một câu nói – như trong Dân Số Ký 5:22; Phục Truyền Luật Lệ Ký 27:15-26).

Khi dùng để nói về Thiên Chúa thì được dùng với nghĩa bóng là “thành tín”. Thành tín có nghĩa là: chân thật, không thay đổi, giữ đúng lời hứa:

  • Thiên Chúa Thành Tín (Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:9).
  • Đấng Thành Tín (Ê-sai 49:7).
  • Đấng A-men! (Khải Huyền 3:14). Đấng A-men có nghĩa là: Đấng Thành Tín.

Cách dùng a-men, như trong câu: “Quý vị có a-men với tôi không?” Là hiểu sai nghĩa của chữ a-men. Tuy nhiên, không nhất thiết là xúc phạm danh Chúa. Vì họ không nói là “Đấng A-men!” Hoặc không dùng danh xưng “Đấng A-men” để gọi ai khác ngoài Thiên Chúa. Họ chỉ dùng a-men như một động từ thay vì dùng đúng chức năng trạng từ (trợ từ) của nó.

Khi chúng ta nói a-men sau lời cầu nguyện, hoặc tôn vinh Chúa của một người thì có nghĩa là: chúng ta xin cho lời cầu nguyện được Chúa nhận; hoặc công nhận lời tôn vinh, cảm tạ là chân thật. Nói a-men sau một lời chúc phước có nghĩa là xin cho lời chúc phước được hiện thực.