Trong kinh nghiệm của bản thân, tôi đã trải nghiệm cả hai vế của câu nói trên. Có lúc tôi để cho tâm trí mình tự do phiêu lưu trong thế giới của Thánh Kinh và đạt được nhiều niềm vui thoả. Rồi cũng có lúc những điều kiện ngoại cảnh khiến tôi hiểu lầm và tự bóp nghẹt suy tư của chính mình. Câu chuyện đó như thế này.
Trong những bước chập chững đầu tiên đón nhận Lời của Chúa, tôi luôn tìm cách đặt mình vào hoàn cảnh của Lời được viết ra. Tôi góp nhặt, tổng hợp mọi chi tiết Thánh Kinh nói về sự kiện mình đang đọc cộng với việc tìm hiểu về địa lý, lịch sử, khoa học, vật lý học,… Với lòng khao khát muốn thấu hiểu Lời Chúa chép.
Có lần khi đọc đến sách Khải Huyền đoạn 1 câu 9:
Từ bản dịch tiếng Việt tôi tra cứu chữ Bát-mô được viết trong tiếng Anh. Sau đó dùng chữ Bát-mô (Patmos) để tra cứu xem hòn đảo ấy ở đâu. Rồi tiếp tục tìm xem Ê-phê-sô (Ephesus), là nơi sứ đồ Giăng cư trú trước khi bị đày ra đảo Bát-mô, ở đâu. Tôi thấy hải trình từ Ê-phê-sô đến Bát-mô cũng gần tương đương với khoảng cách từ cảng Cát Lở, Vũng Tàu ra đến Côn Đảo, nơi mà tôi cũng từng đi một chuyến trong mục vụ. Tôi cũng tìm hiểu xem người xưa đi bằng thuyền buồm ra đảo bằng cách nào.
Đảo Bát-mô, Hy Lạp. Ảnh: https://pixabay.com/
Tất cả những thông tin ấy cùng với dữ kiện về sứ đồ Giăng được Thánh Kinh ghi nhận, tôi đặt chúng lại một nơi và bắt đầu suy nghĩ về “sự hoạn nạn” mà ông chịu. Tôi biết để hiểu thấu cảm xúc của Giăng là điều không thể, nhưng việc tự đặt mình trong hoàn cảnh của ông khiến mọi xúc cảm trong tôi lúc ấy được… xích lại gần ông hơn! Nụ cười vẫn nở cùng với ánh mắt vẫn chứa đầy hy vọng trên một khuôn mặt rạng rỡ trong một thân thể già nua, hằn đầy vết tích của sự hoạn nạn, là hình ảnh gợi lên trong tâm trí tôi trong giây phút ngưng đọng ấy!
Một lần khác. Dù không biết tí gì về tiếng Hê-bơ-rơ, tôi cũng dùng nhiều ngày để tra xem bảng chữ cái các mẫu tự, nghe phát âm, xem cách viết,… Chỉ vì muốn cảm nhận được cái “một chấm, một nét” là như thế nào trong Lời Đức Chúa Jesus phán: “Vì Ta phán với các ngươi, thật, cho đến khi trời và đất qua đi, một chấm hay một nét sẽ không qua đi trong luật pháp, cho đến khi mọi sự được trọn.” (Ma-thi-ơ 5:18). Tôi lờ mờ hiểu ra được là tiếng Hê-bơ-rơ là chữ tượng hình, bớt đi một chấm, hay một nét của một mẫu tự thì ý nghĩa của chữ đó cũng thay đổi, dẫn đến ý nghĩa của câu cũng thay đổi. Như vậy từ trong văn tự đã cho thấy Lời Chúa chính xác đến từng một cái chấm bút. Dù chỉ hiểu được một “tí tẹo” nhưng nhiêu đó đã khiến tôi thấy vui vô cùng.
Một lần khác. Tôi gom những chi tiết về Môi-se và thử đứng cùng ông trên đỉnh núi Nê-bô, nhìn về vùng đất hứa Ca-na-an mà Đức Chúa Trời chuẩn bị dẫn dân tộc ông vào nhận lãnh.
Phục Truyền Luật Lệ Ký 34:1-4
1 Kế ấy, Môi-se từ đồng bằng Mô-áp lên trên núi Nê-bô, nơi đỉnh Phích-ga, đối ngang Giê-ri-cô, rồi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cho người xem toàn xứ, từ Ga-la-át đến Đan;
2 toàn Nép-ta-li, xứ Ép-ra-im và Ma-na-se, cả xứ Giu-đa cho đến biển Tây,
3 miền Nam, vùng đất bằng của thung lũng Giê-ri-cô, thành những cây chà là, cho đến Xoa.
4 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với người rằng: Đó là xứ mà Ta đã thề ban cho Áp-ra-ham, I-sác và Gia-cốp, mà rằng: Ta sẽ ban xứ ấy cho dòng giống ngươi. Ta cho tự mắt ngươi xem xứ ấy, nhưng ngươi không vào đó được.
Quang cảnh đất hứa nhìn từ đỉnh Nê-bô. Ảnh: wittmann-tours.de
Với tư cách là một nhà lãnh đạo, lang thang cùng dân sự trong suốt 40 năm trong đồng vắng, chịu đựng mọi tánh nết của họ. Có giận nhưng tình thương trong ông luôn lớn hơn. Một lần lầm lỡ đã khiến ông chỉ có thể đứng từ chỗ này mà ngắm nhìn. Hơn ai hết, ông là người khát khao cho dân tộc mình có một nơi an cư, và nơi đó lại là một món quà của lời hứa của Đức Chúa Trời. Có lẽ cảm xúc lớn nhất trong ông lúc này là sự nuối tiếc!
Và rất nhiều những suy tưởng khác nữa…
Lúc ấy tôi kể với một người anh em trong Chúa về những suy ngẫm của mình thì người ấy bảo tôi có những suy nghĩ “lạ lùng” và khuyên tôi chỉ nên tập trung vào những bài học về nếp sống đạo của Thánh Kinh để có được nếp sống thánh khiết. Tôi nghĩ đó là một lời khuyên tốt, tôi tiếp nhận và thôi những suy tưởng kia. Tuy nhiên, sau đó tôi gần như không thể suy ngẫm được gì và cũng không có niềm vui gì. Gò ép tâm trí cũng như việc cố nín thở vậy. Tôi không biết mình phải làm sao…!
Rồi tôi đọc sách của ông Tozer và thấy có đoạn viết:
“Bây giờ là việc thứ hai, hãy cầu xin (Lu-ca 11:9-11), và tôi đặt sang một bên mọi chống đối mang tính chất thần học đối với phân đoạn này. Người ta nói rằng nó không dành cho ngày nay. Thế thì tại sao Đức Chúa Trời lại đặt để nó vào Thánh Kinh? Tại sao Ngài không để nó ở một nơi nào khác; tại sao Ngài đặt nó vào nơi tôi có thể thấy được nếu Ngài không muốn tôi tin nó?”
Lời này đã mở toang tâm trí của tôi. Tôi tự hỏi chính mình: Tại sao Ngài đặt những Lời này vào trong Thánh Kinh và để ở trước mặt tôi nếu Ngài không muốn tôi suy tưởng về những điều ấy? Tôi cầu nguyện xin Đức Thánh Linh dẫn dắt và quyết định cứ để cho tư tưởng của mình rộng mở, dù rằng mọi suy tư đều có vẻ “lạ lùng”.
Qua nhiều năm tháng, tôi hiểu ra được một điều cốt lõi đó là khi tôi cứ nghĩ về Chúa theo chứng cớ của Thánh Kinh, dưới sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh với một tâm trí khoáng đạt thì tôi càng gần Chúa hơn, càng hiểu Ngài hơn, và càng sống thánh khiết hơn.
Đó là một kinh nghiệm sâu sắc giúp cho bản thân tôi sau này dễ tiếp nhận một ý tưởng có vẻ “lạ lùng” trong sự suy tư về Lời Chúa của anh chị em của mình. Chính vì vậy mà tôi thấy bản thân mình được Chúa thương nhiều, bất cứ khi nào tôi cầu hỏi sự hiểu biết Ngài đều vui lòng chỉ dẫn.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú.