Lời Tạm Biệt Của Tiền Nhân

“Sống cho Chúa là sống cho chính mình ở mức độ cao nhất.” (Người chăn Huỳnh Christian Timothy).

Cô Bronnie Ware, một nữ y tá người Úc, có nhiều năm chăm sóc những bệnh nhân trong 12 tuần cuối cuộc đời họ. Qua đó cô có cơ hội trò chuyện cùng họ và biết được những điều mà người bệnh còn hối tiếc trước khi nhắm mắt. Cô Bronnie Ware đã đưa câu chuyện đó vào cuốn sách mang tên “The top five regrets of the dying”, tạm dịch “Năm điều hối tiếc nhất của người đang hấp hối”. Năm điều hối tiếc ấy được tóm tắt như sau:

  • Giá mà tôi có đủ can đảm để sống một cuộc sống đúng với bản thân mình, chứ không phải là cuộc sống mà những người khác mong đợi ở tôi.
  • Giá mà tôi đã không làm việc một cách cật lực.
  • Giá mà tôi có đủ can đảm để bộc lộ cảm xúc của mình.
  • Giá mà tôi giữ liên lạc với bạn bè của tôi.
  • Giá mà tôi để cho bản thân mình được hạnh phúc hơn.

Điều mà cô Bronnie Ware ghi nhận được thật ra không quá xa lạ. Tôi nghĩ mỗi một người khi tự minh bạch với lòng mình đều nhận ra điều này. Sự hối tiếc là mẫu số chung của loài người từ khi người ta có ý thức về tội lỗi.

Tôi đã vài lần đọc thấy những câu chuyện tương tự như của cô Ware. Lời khuyên chung của các câu chuyện ấy là: Hãy sống để đừng hối tiếc. Nhưng chúng lại luôn thiếu đi cái vế: Làm sao, bằng cách nào để sống mà không hối tiếc!? Tôi hiểu là câu hỏi đó khó trả lời vì bản thân họ đâu có kinh nghiệm được một cuộc đời thỏa nguyện.

Trong góc nhìn của một người tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, câu chuyện này đưa tôi đến một suy tư khác. Tôi mở Thánh Kinh và tìm xem các bậc tiền nhân của mình, những người đã ra đi trong Chúa, những giây phút cuối đời của họ dạy cho tôi điều gì.

Tôi dành thời gian suy ngẫm về lời tạm biệt của Nhà lãnh đạo Môi-se (Phục Truyền Luật Lệ Ký 32, 33), Tướng quân Giô-suê (Giô-suê 23:1-16), Vua Đa-vít (I Các Vua 2:1-4), Sứ đồ Phao-lô (II Ti-mô-thê 4). Có thể dễ dàng nhận biết được là họ chuẩn bị ra đi với sự thỏa nguyện về đời mình. Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt khác có trong tất cả các lời tạm biệt của họ, đó là nỗi lòng với hậu thế.

Môi-se viết: “Hãy để lòng chăm chỉ về hết thảy lời ta đã nài khuyên các ngươi ngày nay, mà truyền cho con cháu mình, để chúng nó cẩn thận làm theo các lời của luật pháp này.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:46).

Giô-suê viết: “Này, ngày nay ta sẽ đi đường cả thế gian phải đi; vậy, hãy hết lòng hết ý nhận biết rằng trong các lời lành mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu các ngươi đã phán về các ngươi, chẳng có một lời nào sai hết, hết thảy đều ứng nghiệm cho các ngươi; thật chẳng một lời nào sai hết.” (Giô-suê 23:14).

Đa-vít viết: “Ta gần đi con đường chung của thế gian, hãy mạnh dạn và nên người trượng phu! Hãy giữ sự quy định của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của con, để đi trong các đường lối của Ngài, giữ những điều luật và các điều răn của Ngài, các phán quyết của Ngài, và các chứng cớ của Ngài, y như đã chép trong luật pháp của Môi-se, để cho con làm điều gì hay là đi nơi nào cũng đều được thành công,” (I Các Vua 2:2-3).

Sứ đồ Phao-lô viết: “Ta đã đánh một trận đánh tốt lành. Ta đã xong cuộc đua. Ta đã giữ đức tin. Vậy nên, mão của sự công bình đã để dành cho ta, mà Chúa, Đấng Quan Án Công Bình, sẽ ban cho ta trong ngày đó. Không chỉ cho ta mà thôi, nhưng cũng cho tất cả những ai yêu sự hiện đến của Ngài.” (II Ti-mô-thê 4:7-8).

Tôi nhận thấy các bệnh nhân của cô Ware đã ra đi để lại câu chuyện về sự hối tiếc và không có gì hơn nữa. Còn các bậc tiền nhân của người trong Chúa qua đời với sự thỏa nguyện và để lại những chỉ dẫn cần thiết để đạt đến sự thỏa nguyện ấy. Vậy sự ra đi nào đáng giá hơn!? Câu trả lời đã quá rõ ràng.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú.