Sáng hôm nay, là một ngày bình thường, nhưng khu phố nơi tôi ở bỗng nhộn nhịp hơn hẳn mọi ngày, mới sáng sớm mà người người ra vào tấp nập. Tôi dạo bước ra đầu khu phố thì nhận ra hôm nay là ngày nhập ngũ của tân sinh viên trường đào tạo lính cứu hỏa. Kế bên khu tôi ở là một doanh trại vừa đào tạo lính cứu hỏa, vừa là đơn vị thực chiến.
Ngày nhập ngũ, nhìn nét mặt cậu sinh viên mới nào cũng tươi vui, đầy đặn. Tôi biết chỉ khoảng ba tháng nữa thôi cậu nào cũng sẽ đen nhẻm, gầy gò, khuôn mặt trở nên góc cạnh hơn do thao luyện cực lực dưới trời nắng.
Với nhiều năm sống gần bên cạnh doanh trại, tôi có nhiều câu chuyện thú vị về những người lính cứu hỏa. Cả khu phố của tôi ai cũng quen với việc bị đánh thức lúc nửa đêm bởi tiếng chuông báo cháy. Chúng tôi biết ở bên kia bức tường (bức tường bao quanh doanh trại) hai phút nữa sau tiếng chuông những người lính sẽ xuất phát đi làm nhiệm vụ. Tiếng chuông báo cháy có thể vang lên bất cứ lúc nào và nó trở thành một phần trong đời sống của người dân nơi đây.
“Kỷ luật” là chữ đầu tiên có thể nghĩ đến khi bước vào doanh trại. Tôi có dịp ra vào doanh trại vài lần và chứng kiến một mức độ kỷ luật cao. Mọi thứ đều được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp. Xe luôn được quay đầu ra hướng cổng và được trang bị đầy đủ để sẵn sàng chiến đấu. Phần lớn thời gian của tân sinh viên đều ở trong doanh trại. Hầu như chỉ có thể nhìn thấy họ trong ngày nhập ngũ và ngày tết rời trại về quê thăm gia đình. Với những người lính cũ, có cấp bậc, hoặc thuộc lớp chỉ huy thì có phần dễ thở hơn. Họ có thể ra ngoài uống nước sau giờ cơm tối. Nhiều người trong khu phố cũng quen biết những anh lính cũ này, họ ở lại trại trực chiến ít nhất thì cũng đã bảy, tám năm rồi. Tôi có đôi lần nói chuyện với vài người trong số họ. Chúng tôi hay ngồi chung với nhau ở quán nước gần doanh trại.
Có lần vào một buổi tối, khi đang ngồi uống nước trò chuyện với nhau thì tất cả đồng loạt đứng phắt dậy chạy về doanh trại. Tôi đang không hiểu chuyện gì xảy ra thì chuông báo cháy vang lên. Điều làm tôi ngạc nhiên là tôi không hề nghe thấy tiếng chuông trước đó, làm sao họ nghe thấy và đồng loạt đứng dậy chạy về doanh trại? Chuyện này lặp lại vài lần, tôi dần hiểu ra là do chiến đấu trong thời gian dài nên lỗ tai lẫn phản xạ của họ rất nhạy với tiếng chuông.
Một lần khác khi đang nói chuyện với một người lính lái xe cho đội nhiều năm, một người qua đường hỏi thăm chúng tôi địa chỉ một khu nhà. Người anh này liền hướng dẫn đường. Sau khi người kia đi qua khỏi tôi mới hỏi lại anh có chắc là khu nhà ở vị trí đó không vì ở chỗ của tôi có nhiều khu phố có tên gần giống nhau, tôi cũng hay nhầm lẫn. Anh trả lời: “anh lái xe cho đội mà em, anh mà đưa đội đi nhầm là chết”. Tôi bật cười, đúng là nghề của anh mà đưa đồng đội đi nhầm thì khó mà tưởng tượng được hậu quả.
Mọi người thường thấy lính cứu hỏa luôn sẵn sàng khi đến hiện trường cháy nhưng có một cảnh tượng về họ mà ngoại trừ người dân ở khu phố của tôi, ít ai chứng kiến được. Khi nghe chuông báo tất cả họ đều phản ứng rất rất nhanh. Tôi để ý thấy trong những trận chiến lớn, để đảm bảo có thể có mặt ở hiện trường trong thời gian sớm nhất không phải tất cả đội đều sẵn sàng đồng phục khi lên xe. Có khoảng một nửa đội chỉ mặc quần ngắn khi xe xuất phát và họ thay đồng phục ngay trên xe. Tôi đoán một nửa đội đó đang trong giờ nghỉ, nhưng họ phải bỏ giấc ngủ để đáp ứng các tình huống khẩn cấp. Một nửa đội đang trực sẽ giúp nửa đội còn lại mặc đồng phục ngay trên xe. Tinh thần hy sinh và tinh thần đồng đội của họ trong những giây phút như vậy là điều làm tôi xúc động khi nhớ về họ.
Đối với tôi họ là những anh hùng thật sự. Một đội thiện chiến. Nhiều năm qua tôi chứng kiến họ đã tham gia rất nhiều những trận chiến lớn nhỏ, những trận chiến lớn báo chí đều có đưa tin. Tôi chưa nghe trong đội có thương vong. Sau nhiều năm những khuôn mặt quen thuộc vẫn còn đó.
Tôi thấy đời sống của một con dân Chúa có nhiều điểm giống với đời sống của một người lính cứu hỏa. Từ việc kỷ luật bản thân, sống có giờ giấc, nề nếp, chăm chỉ trong sự cầu nguyện, đọc Thánh Kinh mỗi ngày, cho đến chuyên tâm trong mỗi một việc làm lành mà Chúa sắm sẵn cho mình. Tuyệt đối vâng phục và bắt chước những người dẫn dắt mình. Tôi nhận ra đội cứu hỏa kia họ rất thiện chiến, sau nhiều năm chiến đấu hầu như không có thương vong nào, bởi vì đó là doanh trại vừa đào tạo vừa thực chiến. Những lính trẻ họ được thụ hưởng kinh nghiệm của những người thường xuyên ra chiến trường. Sự kết hợp giữa kỹ năng của bản thân trên thao trường và kinh nghiệm trên chiến trường của người đi trước giúp họ giảm được tối đa thương vong khi nhận nhiệm vụ thực chiến. Là con dân Chúa, đôi khi chúng ta không thấy quan trọng với những lỗi nhỏ nhặt trong đời sống của mình nhưng nếu nghĩ đến một thao tác sai trong đám cháy có thể khiến người lính mất mạng thì chúng ta sẽ thấy không có lỗi lầm nào trong đời sống con dân Chúa là nhỏ nhặt cả. Được dìu dắt bởi người chăn, trưởng lão được đầy ơn của Chúa, là một ơn phước lớn đối với con dân Chúa. Sự sốt sắng vâng theo những hướng dẫn đúng Lời Chúa sẽ giúp con dân Chúa mau chóng tiến bộ trong Chúa, mau chóng trở thành một người lính giỏi. Sự chiến đấu trong thuộc linh trong thời gian dài cũng sẽ giúp chúng ta có được một phản ứng nhạy bén trước những điều không thánh khiết.
Có một điều lạ về những người lính cứu hoả này làm tôi thấy khó hiểu đó là sự lặng lẽ của họ. Có một lần, đội tham gia một trận chiến lớn, hôm đó báo chí đưa tin cho biết tình hình rất khó khăn, phải huy động nhiều đơn vị tác chiến, có cả đội cứu hoả đường sông. Sau khi vụ cháy đã được giải quyết, tôi ra quán nước và thấy một anh trong đội từ xa đi đến. Anh chủ quán liền hỏi tình hình chữa cháy thế nào. Người anh kia trả lời “đường hẹp lắm phải phá tường mới vào trong được”. Rồi anh lấy ly nước của mình ra bàn ngồi và không nói gì thêm. Không có một câu chuyện hấp dẫn nào được kể thêm. Qua những lần trò chuyện với họ và nghe họ trò chuyện với nhau tôi ít khi nào nghe thấy họ kể về những trận chiến, chúng nguy hiểm ra sao, đội đã cứu được bao nhiêu người, không một lời nào mô tả về sự nhọc nhằn trong chiến trận của họ. Có lẽ việc cứu hoả và cứu người đã trở thành điều tự nhiên ở trong họ rồi!
Khi suy ngẫm và viết tùy bút này tôi nhớ đến một câu đọc được trong Thánh Kinh Báo: “Khi nhớ đến Đấng Christ hy sinh trọn vẹn, ta không còn nói về mình hy sinh ra sao nữa”. Môn đồ của Đấng Christ cũng hãy để cho những hy sinh trong Chúa trở thành một điều tự nhiên trong mình!
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú